Hiện trường vụ hỏa hoạn tại bệnh viện Ibh Khatib, ở Iraq.
Ảnh: theguardian.com
Những hồi chuông cảnh báo
Đến 10 giờ ngày 17/6/2021, số lượng người nhiễm COVID-19 trên thế giới đã vượt mốc 177,8 triệu và kèm theo đó là 3,848 triệu ca tử vong. Trung bình mỗi ngày có thêm hàng trăm nghìn đến 1 triệu ca nhiễm và hàng chục nghìn ca tử vong mới vì đại dịch này. Nhiều quốc gia đã ghi nhận làn sóng ca mắc COVID-19 tăng trở lại sau khi nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Báo chí và các phương tiện truyền thông xã hội đang lan truyền ngày càng nhiều những hình ảnh hãi hùng về sự hoành hành của dịch bệnh và tình trạng thất thủ của hệ thống y tế các quốc gia liên quan đến đại dịch này như: Mỹ, Ấn Độ, Brazil, Nepal …với các cụm từ miêu tả như: sóng thần, thảm họa, địa chấn, ngày chết chóc… nhấn chìm các quốc gia khiến nhân loại bàng hoàng, xót xa, lo lắng.
Đại dịch COVID-19 từ tháng 11/2019 đến nay đã và đang diễn biến ngày càng phức tạp, không còn là vấn đề thảm họa của riêng mỗi quốc gia mà đã trở thành vấn đề thảm họa toàn cầu. Khi cả thế giới phải huy động tổng lực hệ thống y tế để ứng phó với đại dịch, khi những con số thống kê về tỷ lệ mắc và tử vong vì loại virus chết người này mỗi ngày một gia tăng khiến nhân loại bàng hoàng, đau xót thì thông tin thương vong liên quan tới các vụ cháy tại các bệnh viện, nơi điều trị cho các bệnh nhân mắc COVID-19 trên thế giới lại khiến nỗi đau càng thêm chất chồng. Những cái chết tức tưởi do cháy, nổ tại các bệnh viện, cơ sở điều trị COVID-19 đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về an toàn tại những nơi này.
Ngày 05/4/2020, một vụ hoả hoạn nghiêm trọng đã xảy ra tại công trường xây dựng bệnh viện dã chiến chống dịch COVID-19 gần Thủ đô Moscow của Nga, làm ít nhất 01 người chết; nguyên nhân do ngọn lửa bắt nguồn từ bếp ăn và lan rộng. Sáng ngày 12/5/2020, xảy cháy tại Bệnh viện St George, Petersburg, Liên bang Nga, làm 05 bệnh nhân COVID-19 thiệt mạng; nguyên nhân cháy được xác định do cháy máy thở. Ngày 29/6/2020, xảy cháy tại Bệnh viện Thành phố Alexandria, Ai Cập, làm 07 bệnh nhân thiệt mạng, 07 bệnh nhân khác bị thương; nguyên nhân cháy được xác định do cháy hệ thống điều hòa. Ngày 06/8/2020, xảy cháy tại Bệnh viện tư nhân Thành phố Ahmedabad, Ấn Độ, làm 08 bệnh nhân thiệt mạng, 40 bệnh nhân bị thương; 35 lính chữa cháy phải cách ly bắt buộc; nguyên nhân cháy được xác định do chập điện. Ngày 09/8/2020, xảy cháy tại khách sạn 5 tầng Swarna Palace – nơi được một bệnh viện tư trưng dụng để điều trị cho bệnh nhân COVID-19 ở Vijayawada, bang Andhra Pradesh, Ấn Độ, khiến 11 người thiệt mạng và nhiều người khác bị thương; ngọn lửa phát sinh từ sự cố chập điện của một chiếc điều hòa. Ngày 14/11/2020, cháy bệnh viện điều trị COVID-19 ở Romania làm 10 người chết; nguyên nhân do chập điện từ phòng chăm sóc đặc biệt bệnh nhân và lan sang các phòng khác. Ngày 26/12/2020, một vụ hỏa hoạn bùng lên tại một bệnh viện ở phía Bắc Thủ đô Cairo của Ai Cập đã cướp đi mạng sống của 07 bệnh nhân COVID-19; nguyên nhân do chập điện. Gần đây nhất, vụ cháy tối 24/4/2021 tại bệnh viện Ibh Khatib ở Thủ đô Baghdad, Iraq đã khiến 82 người thiệt mạng và 110 người khác bị thương; nguyên nhân là do nổ một bình oxy phục vụ máy thở cho các bệnh nhân COVID-19.
Cháy bệnh viện, cơ sở điều trị COVID-19 không chỉ là hiểm họa đối với bệnh nhân mà còn là hiểm họa đối với lính chữa cháy. Tại Mỹ, tính đến ngày 25/8/2020, đã có 82 lính chữa cháy hy sinh liên quan tới dịch COVID-19 và xấp xỉ 10% lính chữa cháy bị nhiễm hoặc phải cách ly do liên quan đến virus.
Các vụ việc trên đây được gọi là “thảm họa kép” khi sự cố cháy, nổ diễn ra trong các bệnh viện, cơ sở điều trị COVID-19. Con số thương vong lớn là minh chứng cho thấy tính chất phức tạp cũng như hậu quả nghiêm trọng khi xảy ra sự cố cháy, nổ trong các cơ sở này. Vì vậy, công tác đảm bảo an toàn PCCC cho các cơ sở điều trị và cách ly tập trung COVID-19 đang là vấn đề cấp thiết cần triển khai trong giai đoạn hiện nay.
Việt Nam đã vượt qua 03 làn sóng COVID-19 và đang đối diện với làn sóng thứ 4, làn sóng có tốc độ lây lan nhanh, tỷ lệ tử vong cao bởi tính chất đột biến của các biến chủng mới. Tình hình dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường. Nhiều loại hình cơ sở khác nhau như: bệnh viện; ký túc xá, trường học; doanh trại công an, quân đội; khách sạn; khu dân cư…được trưng dụng, thay đổi công năng sử dụng làm các cơ sở điều trị và cách ly tập trung người bệnh, người nghi nhiễm COVID-19 đáp ứng nhu cầu thực tiễn trong công tác phòng chống dịch. Nhiều bệnh viện dã chiến thần tốc được xây dựng với sức chứa từ hàng trăm đến hàng chục nghìn người. Tuy nhiên, sự chuyển đổi công năng sử dụng từ nhiều loại hình khác nhau thành các cơ sở điều trị, cách ly tập trung COVID-19 làm gia tăng nguy cơ cháy nổ, cùng với đặc điểm lây nhiễm phức tạp của dịch COVID-19 đã và đang mang tới những thách thức chưa từng có trong công tác đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy tại những nơi này.
Nhân viên tuyến đầu đốt giàn hỏa tang bệnh nhân mắc COVID-19 tại Bệnh viện Virar, ngoại ô Mumbai, Ấn Độ, ngày 23/4/2021.
Ảnh: Reuters.
Hiểm họa chực chờ
Những sự cố cháy, nổ từ các bệnh viện, cơ sở điều trị COVID-19 trên thế giới vừa qua đặt ra câu hỏi: Vì sao các bệnh viện, cơ sở điều trị cho các bệnh nhân COVID-19 lại dễ bị cháy, nổ và thiệt hại nặng nề?
Các chuyên gia trong lĩnh vực PCCC cảnh báo rằng, bệnh viện (đặc biệt là các bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19) luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy, nổ và hiểm họa khôn lường.
Tại bệnh viện, cơ sở y tế khám chữa bệnh thường xảy ra tình trạng quá tải về số lượng bệnh nhân nên có sự cơi nới, cải tạo làm tăng quy mô hoạt động, tính chất nguy hiểm cháy, nổ, dẫn đến mất an toàn PCCC trong quá trình hoạt động. Việc quản lý, sử dụng nguồn nhiệt tại những nơi này còn nhiều bất cập. Hút thuốc vứt tàn thuốc bừa bãi, đun nấu, sử dụng điện quá tải, quá trình cơi nới, cải tạo để thay đổi công năng sử dụng không đảm bảo các biện pháp an toàn PCCC… là những nguyên nhân tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy, nổ.
Để tận dụng tối đa diện tích, bệnh viện, cơ sở y tế khám chữa bệnh được xây dựng thường là nhà nhiều tầng và có thể có tầng hầm, trong đó được phân thành các khu riêng biệt. Công trình càng cao thì diện tích sàn sử dụng càng lớn, dẫn tới mật độ người tập trung đông; chủng loại và khối lượng chất cháy tập trung lớn. Tại những nơi này luôn có một khối lượng lớn chất cháy như: các loại phim X quang, các hoá chất nguy hiểm, các chất oxi hoá mạnh, chăn, màn, quần áo và các tư trang của bệnh nhân… khi cháy sẽ tỏa ra nhiều khói độc. Tại khu vực tầng hầm thường bố trí nhiều thiết bị công nghệ bên trong luôn tồn chứa một lượng chất lỏng cháy nhất định như: phương tiện giao thông cơ giới, máy biến thế, máy phát điện động cơ diesel và các hạng mục công trình khác khi có cháy xảy ra thì đám cháy phát triển nhanh, tạo ra nhiều sản phẩm cháy độc hại và lan truyền nhanh lên các tầng qua các khoảng không thông tầng, cầu thang hở gây nguy hiểm cho người sử dụng. Nhiều khu vực nguy hiểm như: khu vực hấp, khu vực sấy, khu vực là ủi, khu vực căng tin, khu vực xử lý thác thải y tế, khu vực kho dược hoá chất và các bãi giữ xe lộ thiên trong khuôn viên bệnh viện.
Lối thoát nạn chính là theo cầu thang bộ, việc di chuyển khó khăn và chậm hơn so với di chuyển theo phương ngang làm kéo dài thời gian thoát nạn ra nơi an toàn. Khi có cháy, toàn bộ các tầng trên và tầng bị cháy sẽ bị đe dọa bởi khói, lửa, hơi nóng, khí độc tỏa ra từ đám cháy. Bởi vì các thành phần này luôn có xu hướng bay lên trên dọc theo chiều cao công trình gây nguy hiểm cho người và làm cản trở quá trình thoát nạn từ trên xuống dưới. Số lượng người tập trung đông với tình trạng sức khỏe, độ tuổi và nhận thức khác nhau, cùng với tâm lý hoảng loạn cũng góp phần làm tăng mức độ khó khăn phức tạp trong việc thoát nạn, cứu nạn từ các tầng cao xuống mặt đất, đặc biệt là đối với bệnh nhân là: người không tự mình di chuyển được, người già, trẻ em, người yếu sức khỏe.
Việc triển khai lực lượng, phương tiện chữa cháy, cứu nạn cứu hộ gặp nhiều khó khăn đặc biệt là ở các tầng trên cao, nhất là trong điều kiện hiện nay lực lượng Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy chưa được trang bị nhiều xe thang hoặc nếu có thì chiều cao hoạt động của xe thang thấp hơn độ cao của công trình. Rủi ro tiềm ẩn và mức độ nguy hiểm (nhiễm COVID-19 trong quá trình thực hiện nhiệm vụ) đối với lực lượng chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại những nơi này là rất lớn.
Đặc biệt, ngành y tế Anh đã từng đưa ra cảnh báo này với các bệnh viện, theo đó nguy cơ cháy, nổ tại các bệnh, cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19 gia tăng do đây là nơi tập trung nhiều máy thở. Các máy thở này khi hoạt động có thể gây quá tải điện, làm cho không khí thêm nhiều oxy hơn, dễ phát lửa to khi có sự cố. Chính vì vậy, ngành y tế Anh đã khuyến cáo rằng, do oxy được tăng cường trong các khu vực điều trị, các bệnh viện cần tối đa hóa lưu thông không khí bằng hệ thống “thông gió tự nhiên và cơ học”. Điều này sẽ làm giảm lượng khí oxy trong không khí và giảm nguy cơ cháy, nổ.
Cần giải pháp đồng bộ
Mặc dù không thể phủ nhận tính cấp bách trong các chiến dịch phòng, chống đại dịch COVID-19 nhưng chỉ một sơ suất dù là nhỏ tại các bệnh viện, cơ sở y tế cũng có thể phải trả giá bằng cả sinh mạng con người. Bài học từ những vụ cháy vừa xảy ra trên thế giới không chỉ thấy hàng trăm sinh mạng con người bị mất đi mà nó còn phải trả bằng những khó khăn cho rất nhiều bệnh nhân khác đang phải chật vật điều trị COVID-19 tại nơi này. Vẫn biết rằng, tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, yêu cầu chữa trị khẩn cấp đã đẩy hệ thống y tế của nhiều quốc gia vào tình trạng quá tải và người ta phải ứng phó với tình trạng thiếu thuốc men, thiếu thiết bị y tế, thiếu nhân viên y tế…nhưng xin đừng tạm thời “lãng quên” những cảnh báo an toàn khác, trong đó có an toàn cháy, nổ. Trước làn sóng dịch COVID-19 ngày một cấp bách, để không tiếp tục tái diễn những thảm kịch cháy, nổ tương tự, yêu cầu đặt ra cần phải bảo đảm mạnh mẽ và toàn diện hơn nữa cho các bệnh viện, các cơ sở y tế điều trị bệnh nhân COVID-19. Cần cẩn trọng trong mọi tình huống, dù là cấp bách, chắc chắn là việc làm cần thiết hơn bao giờ hết để góp phần bảo vệ người bệnh, người nhà người bệnh, nhân viên y tế trong cuộc chiến phòng ngừa và điều trị lây nhiễm dịch COVID-19 vốn đang rất phức tạp và khó khăn này. Cần sự chung tay vào cuộc và sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan chức năng, các cấp, các ngành và đặc biệt là ý thức của mỗi cá nhân trong công tác PCCC, góp phần đảm bảo an toàn cho các bệnh viện, cơ sở điều trị COVID-19 và chung tay đẩy lùi đại dịch./.
Nguồn: daihocpccc.edu.vn